ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI *****
|
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc *********** Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2024 |
BÁO CÁO TÓM TẮT
Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị
của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 832/BC-UBTVQH15 ngày 17/5/2024 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội báo cáo tóm tắt như sau:
I. Tình hình và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
II. Đánh giá chung
1. Ưu điểm
a. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 62/62 kiến nghị.
Tiếp thu KNCT, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật, các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, kết quả được đông đảo cử tri và Nhân dân ghi nhận.
b. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.117/2.122 kiến nghị.
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết KNCT đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
c. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 16/16 kiến nghị về việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ xét xử trực tuyến; bổ sung số lượng Kiểm sát viên; hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự…
2. Về một số hạn chế
a. Đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT
Việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 6 của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp yêu cầu các cơ quan Trung ương giải quyết.
b. Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương
- Thứ nhất, còn có chính sách ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được đưa vào cuộc sống do văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định đầy đủ về đối tượng được thụ hưởng
Cử tri tỉnh Bến Tre phản ánh về việc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển của địa phương không được hưởng chính sách tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh xã.
Qua giám sát cho thấy, tại Quyết định số 90 ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 90) có quy định hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, tại Thông tư số 06 ngày 30/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin tại Quyết định số 90 (Thông tư số 06) thì việc hỗ trợ chỉ được áp dụng cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 mà không áp dụng đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Quy định nêu trên tại Thông tư số 06 chưa đầy đủ về đối tượng thụ hưởng.
Tiếp thu kiến nghị qua giám sát, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai thực hiện các quy trình để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06 và sẽ hoàn thành trong năm 2024, trong đó bổ sung thêm “xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” vào phạm vi thực hiện nội dung “Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh xã”.
- Thứ hai, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất nên còn vướng mắc, khó triển khai thực hiện, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân
Cử tri tỉnh Bắc Kạn phản ánh trong quá trình thực hiện chính sách khuyến khích để xét cấp học bổng đối với học sinh trường trung học phổ thông chuyên của Bắc Kạn có vướng mắc giữa quy định về hạnh kiểm, học lực với quy định đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện, kết quả học tập của học sinh.
Qua giám sát cho thấy, tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 84 ngày 17/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục (Nghị định số 84) quy định về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập: “Học sinh khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học sinh trường chuyên có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong kỳ xét học bổng…”. Tuy nhiên, tại Thông tư số 22 ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (Thông tư số 22) lại đánh giá về kết quả rèn luyện và kết quả học tập của học sinh theo 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt, không đánh giá học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi nên các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập theo Nghị định số 84.
Để giải quyết vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 7103 ngày 19/12/2023, trong đó đề nghị các địa phương thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo cách chuyển tương đương: Học sinh đạt kết quả “Rèn luyện đạt mức Tốt, kết quả học tập đạt mức Tốt” được tính tương đương như học sinh đạt kết quả “Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi”. Tuy nhiên, công văn nêu trên chỉ là công văn hành chính, không thể dùng thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
Học bổng khuyến khích học tập được quy định tại Nghị định số 84 là chính sách tốt đẹp hỗ trợ thiết thực về tài chính của Nhà nước dành cho học sinh khối trung học phổ thông chuyên trên phạm vi toàn quốc nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho gia đình học sinh, đồng thời khuyến khích học sinh phấn đấu học tập nhưng chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế do quy định thiếu thống nhất giữa Nghị định số 84 và Thông tư số 22. Đây đều là các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc trực tiếp ban hành. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát tổng thể trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22 cho phù hợp với thực tiễn để kịp thời thực hiện học bổng khuyến khích học tập cho học sinh; đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng trình ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Thứ ba, việc giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân cần có sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao của Bộ, ngành cùng với sự phối hợp giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương
Cử tri tỉnh Quảng Ngãi phản ánh, quá trình thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn gây sạt lở đất và bồi lấp ảnh hưởng đến 4.514,4m2 đất sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu cầu ORB28a nên người dân không thể tiếp tục canh tác.
Ban Dân nguyện đã chuyển kiến nghị nêu trên đến Bộ Giao thông vận tải để giải quyết và có văn bản đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi khảo sát tại thực địa. Ngày 05/4/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Đoàn khảo sát tại thực địa. Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Giao thông vận tải, tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi đã thống nhất phương án giải quyết KNCT, cụ thể: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam sẽ thực hiện: (i) thanh thải, nạo vét để khơi thông dòng chảy của suối Ba Đơn trong phạm vi của Dự án; (ii) thực hiện làm kè rọ đá dọc suối Ba Đơn đoạn trong phạm vi của Dự án… Để giải quyết dứt điểm KNCT, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khẩn trương thực hiện thanh thải, nạo vét để khơi thông dòng chảy suối Ba Đơn, làm kè rọ đá dọc suối Ba Đơn theo phương án đã thống nhất.
- Thứ tư, vẫn còn tình trạng giải quyết KNCT chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành Trung ương
Cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh về việc giáo viên các trường học mầm non, các trường tiểu học, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Tân Uyên phải dạy thêm giờ do thiếu giáo viên nhưng không được hưởng tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 ngày 08/3/2013 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Thông tư liên tịch số 07).
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07 và đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo theo quy định. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm rõ về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên tại thành phố Tân Uyên không được hưởng lương dạy thêm giờ để đưa ra giải pháp giải quyết KNCT. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát việc thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên trên địa bàn thành phố Tân Uyên, cần làm rõ nguyên nhân không thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, trên cơ sở đó có giải pháp để giải quyết, trả lời KNCT.
III. Kiến nghị
1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý KNCT; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp KNCT sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội./.