Ngày 03/7/2025, tại TP.Đà Nẵng, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm “Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiếm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định 94).
Tọa đàm nhằm phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị định 94, nâng cao nhận thức về khung pháp lý, trang bị kiến thức chuyên môn cho các đối tượng áp dụng của Nghị định, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm. Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán chủ trì Tọa đàm.
Tham dự tọa đàm còn có ông Andri Meier, Phó trưởng Ban hợp tác phát triển - Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Việt Nam; bà Kelly Hattel, Chuyên gia Tài chính Cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có đại diện các Bộ, ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín dụng, công ty Fintech...
Toàn cảnh Toạ đàm
Tọa đàm là dịp để cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan thông tin, chia sẻ các nội dung cơ bản và giải đáp các nội dung chính sách tại Nghị định 94. Qua đó các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty Fintech, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khách hàng, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan có thể nắm bắt đúng, đầy đủ các nội dung chính sách tại Nghị định 94 để tổ chức triển khai Nghị định 94 hiệu quả; đáp ứng yêu cầu thực hiện thống nhất các quy định mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm.
Tọa đàm cũng sẽ góp phần quan trọng vào quá trình triển khai Cơ chế thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị định 94 là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực Fintech, là bước đi quan trọng, tạo hành lang pháp lý thử nghiệm trong phạm vi kiểm soát về các giải pháp Fintech trong môi trường thực tế, giúp các tổ chức có căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động kinh doanh mới; đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc theo dõi, giám sát và đánh giá rủi ro, từ đó giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý về Fintech, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia.
Thời gian qua, trước những cơ hội và thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) mang lại, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện “Bộ tứ chiến lược”, gồm: Đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59-NQ/TW); xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết số 66-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW) để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số luôn là động lực then chốt giúp ngành Ngân hàng tăng tốc bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động trong triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được rất nhiều những thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, thể hiện trên các mặt từ thể chế, hạ tầng đến sản phẩm, dịch vụ. NHNN không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày trong khi hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày. Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động với tỉ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD đạt mức cao trên 98%. Hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số) và hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 75% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số)...
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đánh giá cao vai trò của các công ty Fintech đối với quá trình số hóa dịch vụ ngân hàng. Ông Tuấn cho biết, không có Fintech thì chúng ta không có eKYC, không thể đối chiếu sinh trắc học, khó có thể phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, và cung cấp các dịch vụ thanh toán các hóa đơn thiết yếu... Fintech góp phần quan trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện tối đa cho các công ty Fintech, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, còn các công ty, doanh nghiệp cần chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật.
Thanh Trúc