1
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được 03 kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn gửi tới trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo văn bản số 418/BDN ngày 02/11/2021 và văn bản số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn như sau:
Kiến nghị 1. Cử tri huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, do tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã làm giảm các nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ của người dân. Đề nghị có chính sách giảm lãi suất, tăng thời hạn trả lãi, gốc so với quy định hiện nay, giúp người dân phục hồi sản xuất, trả các khoản vay Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và một số Ngân hàng thương mại trên địa bàn. (Câu số 5, văn bản số 418/BDN)
Trả lời:
Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã ban hành và chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19, cụ thể:
- NHNN đã giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5-2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021; 04 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021 giảm thêm 0,81%/năm1. Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng gần 34.900 tỷ đồng.
- Bên cạnh đó, để hỗ trợ các đối tượng được vay vốn tại NHCSXH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách, theo đó thực hiện giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng tại NHCSXH, áp dụng đối với các món vay còn dư nợ trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Kịp thời ban hành chính sách và chỉ đạo các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người vay vốn bị tác động tiêu cực bởi đại dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề (Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020; Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021).
- Chỉ đạo các TCTD ưu tiên tập trung nguồn vốn để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng thuộc khu vực nông thôn.
Như vậy, người dân có thể tìm hiểu, làm việc với các TCTD trên địa bàn để được hỗ trợ xem xét cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới và hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và chính sách riêng của từng TCTD.
Kiến nghị 2: Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. (Văn bản số 8243/VPCP-QHĐP)
Trả lời:
Phát triển nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên có nhiều chính sách phục vụ phát triển. Thời gian qua, Chính phủ, NHNN đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó bao gồm các hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, cụ thể:
- NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55; đồng thời, ban hành Thông tư 10/2015/TT-NHNN và Thông tư 25/2018/TT-NHNN hướng dẫn triển khai Nghị định. Trong đó quy định nhiều chính sách ưu đãi như: (i) cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ gia đình, hộ kinh doanh từ 200-300 triệu đồng. Riêng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa được vay lên tới 500 triệu đồng; (ii) giảm lãi suất cho vay (tối thiểu là 0,2%) đối với khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp, áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên; (iii) chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; (iv) hỗ trợ xử lý rủi ro trong trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng.
Tại tỉnh Lạng Sơn, hiện dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 18.530 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2020, chiếm 51,5% tổng dư nợ trên địa bàn, với 111.171 khách hàng còn dư nợ (chủ yếu là khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh).
- NHNN cũng chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực này; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ (hiện tối đa là 4,5%/năm), thấp hơn 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh tiếp cận tín dụng nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp .
- Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp cũng được hưởng một số chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chương trình hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp...; các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH.
Như vậy, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ hộ gia đình, hộ sản xuất, hộ kinh doanh tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, ổn định và nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện để giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng; rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi.
Kiến nghị 3. Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14; kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách Chương trình vay vốn hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 05 năm (hiện nay là 03 năm). (Câu số 172, văn bản số 8243/VPCP-QHĐP)
Trả lời:
* Về việc nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành.
* Về kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách chương trình vay vốn hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 05 năm (hiện nay là 03 năm)
Hiện nay, NHCSXH được giao triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, giải ngân đến hết ngày 31/12/2020; đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn thứ 2 tại NHCSXH, với trên 1.096 ngàn hộ mới thoát nghèo còn dư nợ.
Năm 2021, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, NHCSXH tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg ngày 21/01/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, theo đó kể từ ngày 30/03/2021, NHCSXH được tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Đối với kiến nghị của cử tri về việc kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chương trình, trong thời gian tới, trên cơ sở khả năng huy động nguồn vốn của NHCSXH, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho NHCSXH từ ngân sách nhà nước và nhu cầu, nguyện vọng của người vay vốn, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên đây là ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri đối với hoạt động ngân hàng./.
1 Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6-9,3%/năm.